DI TÍCH LỊCH SỬ-VĂN HÓA CHÙA CẢM THIÊN ĐẠI ĐẾ

Vào khoảng cuối thế kỷ XVII đầu thế kỷ XVIII, do những biến động của xã hội, nhiều nhóm cư dân người Hoa đã đến định cư tại miền Nam Việt Nam và chọn nơi đây là quê hương thứ hai của mình, trong đó có những bà con người Hoa Triều Châu ở phường Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ ngày nay. Trong quá trình di cư và định cư, đa số người Hoa đều mang theo trong tư tưởng hình ảnh của các vị thần thánh quen thuộc như: Bà Thiên Hậu Thánh Mẫu, Ông Bổn, Quan Thánh Đế Quân... Đồng thời, do cuộc sống ban đầu còn bị chi phối bởi sức mạnh siêu nhiên, người Hoa thường gửi gắm lòng tin vào thần thánh, trời phật...Chính vì tín ngưỡng và tôn giáo trở thành chỗ dựa tinh thần trong cuộc sống của người Hoa, nên nhu cầu hình thành các cơ sở thờ tự cũng được đặt ra.
Chùa Cảm Thiên Đại Đế (Ảnh: Hữu Tồn)

Theo tài liệu còn lưu lại trên các hoành phi, liễn đối của Chùa Cảm Thiên Đại Đế, kết hợp với lời kể của các vị cao niên ở địa phương, Chùa được bà con người Hoa xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, trên doi đất bên phải ngã ba vàm Ba Rích, tại vị trí hiện nay, thuộc khu vực Thới Hòa, phường Thới An, quận Ô Môn, thành phố Cần Thơ. Mặc dù đã qua nhiều lần trùng tu nhưng ngôi chùa vẫn giữ được hầu như nguyên vẹn nét kiến trúc ban đầu với những họa tiết trang trí, chạm khắc, mang giá trị lịch sử, văn hóa, thẩm mỹ cao.
Chùa Cảm Thiên Đại Đế được xây dựng theo hình chữ Quốc, trên diện tích đất rộng 2.226 m2, quay mặt về hướng Tây - Nam với các dãy nhà khép kín vuông góc nhau. Mái Chùa lợp ngói âm dương, các gờ bó mái bằng gốm hình lá phủ men xanh. Trên bờ nóc là sự hiện diện của nhiều phù điêu gốm sứ như: lưỡng long tranh châu, chim phụng, cá chép hóa long. Cách trang trí này không những tượng trưng cho sức mạnh, sự hòa hợp của âm dương, sự an lành và sung túc, mà còn góp phần tăng thêm vẻ tôn nghiêm, cổ kính của ngôi chùa, đồng thời phản ánh giá trị nhân văn, trí tuệ, ước vọng của con người từ xưa đến nay.
Điểm khác biệt của Chùa Cảm Thiên Đại Đế là hệ thống vì kèo được trang trí khá độc đáo. Không chỉ có tác dụng nâng đỡ hệ thống mái, những cây kèo ngang, kèo đứng của Chùa còn là nơi lưu giữ những tác phẩm điêu khắc có giá trị với các đề tài cuốn thư, bài thơ chữ Hán, mây nước, hoa lá, chim muông… được chạm chìm, chạm nổi rất tinh tế và tỉ mỉ mà không phải ngôi chùa Hoa nào cũng có được. Chính điều này đã góp phần tạo nên nét đẹp riêng về kiến trúc nghệ thuật của một công trình tôn giáo - tín ngưỡng dân gian đã trên 100 năm tuổi. Ngoài ra, bên trong Chùa vẫn còn lưu giữ nhiều bức hoành phi, liễn đối chạm khắc tinh xảo, gắn liền với lịch sử hình thành và tồn tại của ngôi chùa.
Giống như đa số các chùa, miếu của người Hoa ở Nam bộ, Chùa Cảm Thiên Đại Đế được thiết kế gồm hai lớp cửa: một cửa vào gian tiền điện và một cửa bình phong phía trước lối vào sân thiên tĩnh hay (còn gọi là giếng trời). Sân thiên tĩnh vừa có chức năng tạo cho không gian của ngôi chùa luôn thoáng mát và có ánh sáng tự nhiên vừa có tác dụng làm cho khói nhang luôn được thông thoáng. Không giống như Chùa Ông -  quận Ninh Kiều hay Hiệp Thiên Cung - quận Cái Răng, tại Chùa Cảm Thiên Đại Đế khoảng sân giữa lại được che kín, chừa khoảng trống ở hai bên, tạo thành hai sân thiên tĩnh. Nhờ vậy nội thất của ngôi Chùa luôn đủ ánh sáng tự nhiên và tăng thêm sự thông thoáng.
Đối tượng thờ chính tại Chùa Cảm Thiên Đại Đế là Trịnh Ân - một vị phúc thần. Tương truyền ông là phó quan khai quốc công thần, văn võ song toàn trong triều vua nhà Tống ở Trung Quốc, được vua phong tước vị Cảm Thiên Đại Đế và được dân chúng sùng kính, thờ cúng cho đến ngày nay. Vì vậy, bà con người Hoa trong vùng vẫn quen gọi Chùa Cảm Thiên Đại Đế là Chùa Ông đồng thời trân trọng gọi tên vị thần chính được thờ trong Chùa là Ông.   
Lễ vía Ông vào ngày 29 tháng Ba (âm lịch) là lễ hội lớn nhất diễn ra tại Chùa Cảm Thiên Đại Đế hàng năm. Ngoài ra, theo thông lệ Chùa còn cúng lễ vào các dịp Tết Nguyên Đán, Tết Nguyên Tiêu, Tết Trung Thu … Tất cả nhằm cầu mong một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, yên bình. Đặc biệt, trong lễ Vu Lan được tổ chức vào rằm tháng Bảy, Ban Quản trị Chùa cùng các nhà hảo tâm, các vị mạnh thường quân còn tổ chức phát gạo cho những gia đình nghèo khó ở địa phương, nhằm góp phần thể hiện sự tương trợ lẫn nhau trong cuộc sống của cộng đồng người Hoa đối với bà con trong vùng.
Chùa Cảm Thiên Đại Đế là một công trình kiến trúc nghệ thuật tiêu biểu của người Hoa Triều Châu ở phường Thới An, quận Ô Môn, tính nghệ thuật thể hiện rõ qua phong cách kiến trúc, các đề tài trang trí với kỹ thuật chạm trổ tinh tế, uyển chuyển, vừa giữ được nét nghiêm trang của điện thờ, vừa tạo được sự gần gũi trong không gian sinh hoạt đô thị. Ngoài chức năng là hội quán, Chùa Cảm Thiên Đại Đế còn được xem như một trung tâm bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, nghệ thuật truyền thống của người Hoa, là nơi quy tụ và tương trợ lẫn nhau của bà con người Việt gốc Hoa cùng sinh sống trên mảnh đất này.
Ngày 05 tháng 02 năm 2016, Chùa Cảm Thiên Đại Đế đã được Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành Quyết định số 337/QĐ-UBND xếp hạng là Di tích lịch sử - văn hóa.
Nguyễn Mỹ - Kim Thúy (Ban Quản lý di tích TPCT)
Các bài viết khác:
Bảo vật quốc gia đầu tiên của Cần Thơ   (04/01/2018)
DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT HIỆP THIÊN CUNG   (10/10/2017)
Nhà hát Tây Đô tổ chức giỗ tổ sân khấu   (09/10/2017)
Làng nghề dệt chiếu Kinh E, Vĩnh Thạnh   (24/07/2017)
UỐNG NƯỚC NHỚ NGUỒN   (24/07/2017)
<<    ...  4  5  6  7  8  ...    >>